0962.945.547

Rủi ro nào đang “rình rập” doanh nghiệp ngành gỗ trong năm 2022?

Sau khi Việt Nam bước vào giai đoạn bình thường mới, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đã nhanh chóng khôi phục và chớp lấy thời cơ thị trường, gia tăng xuất khẩu. Cơ hội nhiều nhưng thách thức với ngành gỗ cũng không hề nhỏ.

Năm 2022, ngành gỗ cũng đang đứng trước nhiều cơ hội như các nhà mua hàng chuyển dịch sang Việt Nam, cơ hội mở rộng thị phần sang châu Âu, châu Mỹ, các nước châu Á nhờ việc tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP…

Cơ hội nhiều nhưng thách thức với ngành gỗ cũng không hề nhỏ. Theo chia sẻ của Ông Võ Thành Lợi – Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, khó khăn lớn nhất của ngành gỗ là chi phí vận chuyển không ngừng tăng kể từ năm 2020 đến nay.

“Cước vận chuyển tăng khiến giá gỗ nguyên liệu thiết lập mặt bằng mới, điển hình như gỗ sồi tăng 28%, gỗ gõ tăng 40%, gỗ dương tăng 40%. Điều này có thể làm giảm biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới mục tiêu xuất khẩu gỗ đạt 20 tỷ USD vào năm 2025”, ông Võ Thành Lợi cho biết.

Trong bối cảnh chi phí đầu vào phi mã, các doanh nghiệp đã phải đàm phán với các tổ chức tài chính để tăng hạn mức vốn lưu động, tạo điều kiện ký hợp đồng mua nguyên vật liệu và dịch vụ logistics dài hạn.

Bên cạnh đó, thời gian nhập khẩu kéo dài dẫn đến các doanh nghiệp phải chậm các hoạt động sản xuất. Các yếu tố này đang trực tiếp làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành. Theo ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa) cho biết: “Giá nguyên liệu gỗ và cước vận tải tăng là vấn đề của toàn cầu, không riêng Việt Nam. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp buộc phải tăng giá sản phẩm là tất yếu để tồn tại”.

Để giải quyết bài toán nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, đại diện Hawa khuyến nghị các doanh nghiệp có thể mua chung, thầu chung các vùng nguyên liệu để giảm giá thành sản xuất.

Ngoài yếu tố cước vận tải, việc gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đối mặt với nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại ở Mỹ cũng là thách thức với ngành này.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản của Việt Nam. Kết quả này cao gần gấp rưỡi xuất khẩu gỗ cả năm 2015, 2016.

Xuất khẩu gỗ sang Mỹ tăng nhanh và mạnh là tín hiệu tích cực. Song, gỗ Việt phải đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại ở thị trường này.

Mới đây, Cục Phòng vệ Thương mại cho biết Mỹ cảnh báo sẽ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam vào đầu tháng 6.

Nguyên đơn cáo buộc rằng các nhà sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam đã nhập tủ/bộ phận tủ từ Trung Quốc là đối tượng bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại sau đó lắp ráp hoàn thiện tại Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm tủ gỗ tiếp tục rà soát các hoạt động xuất khẩu các sản phẩm bị điều tra sang Mỹ.